Đóng menu
Banner top
Trang chủ » Các thuật ngữ nhà đất Nhật Bản

Các thuật ngữ nhà đất Nhật Bản

02/07/2020 1103 lượt xem

Tổng quan

Có lẽ một trong những mối trăn trở lớn nhất của các bạn khi chuẩn bị cho cuộc sống mới của mình trên đất Nhật là nhà ở. Nhiều trường học có ký túc xá khá rẻ và tiện nhưng không phải sinh viên nào cũng may mắn được ở lâu dài trong ký túc xá. Vì vậy, tìm cho mình một nơi ở tiện nghi, thuận tiện cho việc học hành, cho cuộc sống, đồng thời giá cả phù hợp với túi tiền là việc cần tính đến.

Ký hiệu

Khi thuê nhà ở Nhật, bạn sẽ gặp phải những ký hiệu như “2LDK”, “1K”, “1R”… Dưới đây là ý nghĩa của những ký hiệu này.

  • 1R – One room, loại phòng đơn khá phổ biến đối với sinh viên, có đầy đủ: bếp, nhà tắm, vệ sinh, thềm, hiên…nhưng khá nhỏ gọn, thường dành cho ở một người. Về căn bản gần giống với 1K.
  • Số đếm – Số phòng ngủ.
  • L – Living room, phòng khách.
  • D – Dining room, phòng ăn.
  • K – Kitchen, bếp.

Ví dụ:

  • 1K – nhà có 1 phòng ngủ và bếp.
  • 2DK – nhà có 2 phòng ngủ + bếp và phòng ăn.
  • 2LDK – nhà có 2 phòng ngủ + phòng khách + bếp + phòng ăn.
  • Chú ý: Nếu bạn thấy những căn hộ 4LDK/5LDK mà giá khá rẻ thì có thể đây chỉ là giá tiền thuê 1 phòng trong căn hộ lớn nhà ghép. Cần xem kĩ.

Thuật ngữ

Các khoản tiền chính

  • Tiền đặt cọc (敷金) – Trên lý thuyết thì đây là tiền đặt cọc sẽ được trả lại khi hợp đồng kết thúc. Mục đích của khoản tiền này là sẽ được dùng để sửa chữa những hư hỏng hoặc dọn dẹp nhà. Tuy nhiên, tùy vào chủ nhà và ý thức giữ gìn của bạn mà số tiền này sẽ không được trả lại hoặc được trả lại một phần hay toàn bộ.
  • Tiền lễ (礼金) – Đây là số tiền mà bạn sẽ phải trả (lễ) cho chủ quản lí khi thuê nhà. Đây là một tập quán ở Nhật nhưng những năm trở lại đây càng ngày càng có nhiều chủ nhà/công ty cho thuê mà không cần 礼金.
  • Phí gia hạn (更新料) – Khi hợp đồng hết hạn có một số căn hộ yêu cầu trả phí gia hạn hợp đồng. Trả khi muốn gia hạn tiếp hợp đồng.
  • Phí quản lý/Tiền công ích (管理費/共益費) – Ở một số căn hộ, bạn sẽ phải trả thêm phí quản lý mỗi tháng, thường dao động trong khoảng ¥2000~¥5000. Vì vậy, khi đi thuê nhà nên chú ý cả về phí quản lý.
  • Tiền thuê nhà (家賃) – Tiền thuê nhà hàng tháng. Thường thì sẽ trả vào dịp cuối hàng tháng. Phương thức thanh toán có thể là trả trực tiếp cho chủ nhà hay tự động rút tiền trong tài khoản đã đăng kí (trường hợp nhà do công ty quản lí). Hãy nhớ trả tiền đúng hạn, đừng để bị nhắc nhở. Giữ mối quan hệ tốt với chủ nhà sẽ giúp bạn có thể được gia hạn đóng tiền nhà hoặc trả lại tiền đặt cọc.

Như vậy, phí môi giới, tiền đặt cọc và tiền lễ là những khoản tiền sẽ phải trả một lần khi đi thuê nhà. Tiền quản lí/công ích và tiền thuê nhà sẽ là những khoản tiền phải trả hàng tháng. Ngoài ra bạn phải trả thêm tiền điện, gas và nước hàng tháng.

Ví dụ, nếu 1 căn nhà có giá thuê là: ¥50,000/tháng, kèm theo phí quản lý là ¥5,000/tháng, có nghĩa là bạn sẽ phải trả ¥55,000/tháng + tiền điện, gas, nước hàng tháng.

Về căn hộ

  • Tatami (畳): sàn bằng chiếu
  • Flooring (フローリング): sàn gỗ
  • Phòng kiểu Nhật (和室): Phòng có sàn bằng chiếu
  • Phòng kiểu Âu (洋室): Phòng có sàn lát gỗ
  • Kakubeya (角部屋): Phòng ngoài cùng

Cách thuê nhà

Những điều cần chú ý

Thời điểm

Dịp cuối tháng 2 đầu tháng 3 và cuối tháng 9 đầu tháng 10, các trường đại học Nhật Bản bắt đầu có kết quả tuyển sinh nên lượng sinh viên, học sinh đi tìm nhà thuê tăng vọt. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm các nhân viên chuẩn bị vào công ty mới nên để tránh tình trạng phải chờ đợi mất thời gian cũng như khó tìm được những căn nhà có điều kiện và giá cả tốt, bạn nên tìm nhà càng sớm càng tốt.

Vị trí

Những vị trí nhà được ưa thích thường nằm gần trường hay ga tàu điện: tiện lợi cho việc học tập, mua sắm cũng như làm thêm… Khi thuê nhà bạn nên hỏi rõ đường đến trường, ga tàu có thuận tiện cho bản thân không(ví dụ, có thể đi xe đạp đến trường không…), quanh nhà có siêu thị, cửa hàng tạp hóa, đồn công an, phòng hành chính…hay không.

Năm xây dựng

Những căn nhà mới (xây từ 1990 về đây) có tiêu chuẩn xây nhà tốt hơn, cách âm, cách nhiệt hay sức chịu động đất tốt hơn. Nếu bạn muốn trải nghiệm cuộc sống và văn hóa truyền thống Nhật Bản thì một căn nhà gỗ kiểu cũ, phòng kiểu Nhật cũng rất tuyệt.

Chi phí thuê nhà

Tháng đầu tiên khi thuê nhà, bạn phải trả 1 số tiền tương đối lớn, như tiền lễ cho chủ nhà (礼金 ), Tiền đặt cọc (敷金), tiền sửa chữa, bảo hiểm… Tổng số tiền ban đầu này có thể gấp 3, 4 lần số tiền nhà 1 tháng của bạn, do đó nên chuẩn bị sẵn 1 số tiền kha khá trước khi đi thuê nhà. Tuy nhiên 1 số loại bảo hiểm có thể được bán rẻ cho sinh viên ở các Co-op shop ở trường, bạn nên hỏi nhà trường để tiết kiệm chi phí. Cũng nên chọn những căn nhà không có khoản phí ban đầu như tiền lễ, tiền sửa chữa…, chi phí ban đầu sẽ giảm đáng kể. Ngoài ra, nên chú ý tiền môi giới của các công ty bất động sản. Thường số tiền này là 1 tháng tiền thuê nhà, nhưng cũng có nơi rẻ hơn hoặc 0 yên.

Mặt bằng chi phí thuê nhà hàng tháng (thành phố lớn):

  • Phòng ký túc xá (giường tầng, dùng đồ chung): 2man ~ 3.5man
  • Phòng đơn sharehouse: 5man (xa trung tâm) ~ 10 man (gần trung tâm) (thường bao gồm cả điện, nước, internet…)
  • Căn hộ 1K, 1DK: 3man ~ 6man
  • 2DK: 5man ~ 10man
  • 3DK trở lên: 10man ~ 20man

Người bảo lãnh

Đối với người nước ngoài khi thuê nhà ở Nhật, các công ty môi giới bất động sản thường đòi hỏi phải có người bảo lãnh (保証人 – Hoshōnin). Trong trường hợp có sự cố gì hoặc không thể liên lạc với người thuê nhà, công ty sẽ liên lạc với người bảo lãnh. Có hai hình thức người bảo lãnh như sau:

  • Người quen hoặc bạn bè người Nhật đứng ra bảo lãnh.
  • Công ty chuyên đứng ra bảo lãnh cho người nước ngoài thuê nhà. Tất nhiên, hình thức này sẽ mất một khoản tiền nhất định.

Chú ý khác

  • Trong một tòa nhà nhiều tầng, do tính chất bảo mật, an toàn và ánh sáng, độ ẩm nên các tầng thấp thường rẻ hơn các tầng trên cao. Các bạn nữ nên thuê tầng 2 trở lên. Ngược lại, tại một số căn hộ đã cũ, do cách nhiệt kém nên tầng trên cùng thường khá nóng vào mùa hè.
  • Căn phòng có cửa sổ hướng Nam và Đông thường đắt hơn hướng Tây và Bắc. Nhà có ánh sáng tự nhiên tốt thường được ưa thích hơn.
  • Khi thuê nhà nên chú ý trong nhà có chỗ để máy giặt không, để trong nhà hay ngoài nhà, nếu không có, thì quanh nhà có tiệm giặt giặt bằng xu không.
  • Nếu có bạn ở chung thì chi phí sẽ rẻ hơn và tiết kiệm được nhiều khoản phí sinh hoạt chung. Nếu ở chung có thể tìm những tòa nhà cho thuể cả căn (一戸建て).
  • Nếu không có người ở cùng bạn có thể tìm các căn nhà ghép, hay ký túc xá, ở cùng với các sinh viên khác trong trường cũng là một phương án tiết kiệm.
  • Khi đi xem nhà, hãy chú ý kỹ xem nhà có đầy đủ các trang thiết bị thiết yếu không, ví dụ như bình đun nước nóng, nhà vệ sinh, bếp, điều hòa. Có trường hợp nhà có 2 phòng mà chỉ có một điều hòa nên bạn sẽ phải tự mua và lắp một chiếc nữa, chi phí rất tốn kém.

Các hình thức nhà ở

  • Căn hộ (ア パート)
  • Căn hộ cao cấp (マンション)
  • Ký túc xá
  • Nhà ghép
  • Homestay
Chia sẻ:
Hotline: 02462811222